Roundtable on the UN Convention on the Law of the Sea

Chào các bạn,

Ngày Độc Lập 2/9 là một dấu mốc lớn trong lịch sử Việt Nam. Đó là ngày người Việt Nam chính thức cởi bỏ ách đô hộ, cởi bỏ tư cách tôi tớ, và đứng thẳng lưng làm người.

Mỗi lần nói đến mốc độc lập đó, chúng ta đương nhiên nói đến tương lai—vậy thì chúng ta phải làm gì để xứng đáng với món quà độc lập mà bao nhiêu xương máu của các thế hệ cha anh đã đổ ra để chúng ta được hưởng?

Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

– Độc lập, chúng ta đã đạt ngày 2/9/1945.

Hay chưa đạt?

Trung quốc với 3 hình tội công pháp quốc tế xâm lược Việt Nam – Hoàng Sa 1974, Tấn công Biên giới 1979 và kéo dài một thập niên sau đó, Thảm sát Trường Sa 1988, và ngày nay tiếp tục hành hạ dân ta hàng ngày, mà chúng ta cứ phải xem Trung quốc là bạn và láng giềng tốt, và tiếp tục nhập siêu rất cao và lệ thuộc cực cao vào hàng Trung quốc, thì đó có là độc lập hay không?

– Tự do, nhân dân ta đã có chưa?

• Khi tài sản nhân dân được nhà nước trưng thu bất kỳ lúc nào, dù các dữ kiện cho thấy đó là các trưng thu bất công, dân không được đền bù thỏa đáng, nhân dân biểu tình đòi công lý liên miên, nhưng nhà nước cứ đường mình mình đi, đó là tự do chưa?

Dù những bất công đó được xem là hợp pháp, thì chính pháp luật là bất công.

Công lý không lệ thuộc luật pháp bất công. Công lý lệ thuộc vào đạo nghĩa công bình tự nhiên đã có trong xã hội loài người, và luật pháp phải theo các đạo nghĩa đó mới là luật pháp thật và có công lý.

• Quyền phê phán nhà nước, tức là quyền đóng góp vào việc quản lý quốc gia mà dân là chủ, là một xa xỉ phẩm cực kỳ đắt tiền ở Việt Nam. Phê phán nhà nước có thể đưa đến đủ thứ áp bức cho người phê phán, thậm chí có thể ở tù.

• Quyền biểu tình, kể cả biểu tình chống xâm lược Trung quốc, cũng bị triệt hạ đủ mọi cách, cứ như là chiến trận giữa công an và người biểu tình. Tại sao anh em một nhà mà không thể đoàn kết chống Trung quốc xâm lược?

• Các quyền tự do lập hội, tự do phát biểu ý kiến, tự do tụ họp, tự do tôn giáo đều rất hạn chế ở Việt Nam không cách này thì cách khác, không cách thô thiển thì cách tinh tế.

• Đương nhiên là người dân không thể lạm dụng các quyền tự do để tạo bất ổn chính trị nghiêm trọng cho quốc gia, nhưng “tạo bất ổn chính trị nghiêm trọng cho quốc gia” là một mức thang rất cao, không chỉ là vì “nhà nước không hài lòng”.

• Mọi hạn chế tự do, và mọi lạm dụng quyền lực để dẫm đạp lên tự do của người dân, khi bạn bè quốc tế có nói đến thì chúng ta luôn trả lời là vì họ không hiểu vấn đề hoặc tuyên truyền bậy bạ.

Các bạn, chúng ta là người nhà cả, không ai là không hiểu vấn đề, và chẳng có lý do gì để tuyên truyền bậy bạ. Chúng ta nói đến tự do của mỗi người dân vì đó là nguyên tắc quản lý tối ưu. Bạn không thể có một doanh nghiệp phát triển nếu bạn đối xử với các nhân viên bất công và như những người tù. Người dân càng được tôn trọng và càng có nhiều tự do, đất nước càng phát triển. Đây không phải là chính trị, mà là phát triển kinh tế, nói rõ ra là kiếm tiền.

Mọi tự do của người dân đều là quyền làm người, tức là sinh ra là người thì đã có các quyền làm người. Nhà nước muốn hạn chế quyền làm người nào tới đâu thì phải có lý do chính đáng cho sự hạn chế đúng chừng mực tới đó.

Các tự do căn bản của người dân là đã tự có cho mỗi người. Không phải là cái của nhà nước cho hay ban phát.

– Hạnh phúc: Hạnh phúc thì luôn tương đối.

Nếu năm nay người ta có tự do ít, năm tới có thêm tự do, thì người ta sẽ thấy hạnh phúc, dù đó là hạnh phúc của tù nhân.

Với lý lẽ này, thì nếu mỗi ngày các bạn tăng tự do, tăng công lý một chút là người dân sẽ cảm thấy hạnh phúc.

Nếu các bạn không thể hành xử với nhân dân được như các quốc gia văn minh, thì ít nhất các bạn cần tự mình mỗi ngày hành xử với nhân dân văn minh hơn một chút.

Trong ngày lịch sử 2/9, chúng ta hãy cùng đốt nén hương trầm dâng kính thế hệ cha anh đã chiến đấu cho chúng ta ngày nay, và hãy cùng hứa xây dựng một xã hội “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” cho chúng ta và con cháu chúng ta sau này.

Cùng hướng về đất nước mến yêu,

Trần Đình Hoành

Bình luận về bài viết này